Xem 'Khoảng trắng' của Nguyễn Đức Lâm: Những câu hỏi để ngỏ cùng chú Tễu

04/08/2022 19:01 GMT+7 | Văn hoá

Triển lãm Khoảng Trắng của Nguyễn Đức Lâm vừa kết thúc sau một tuần lễ trưng bày tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Với triển lãm cá nhân đầu tiên này, tác giả mượn hình ảnh chính là nhân vật chú Tễu trong rối nước, để đặt trong nhiều hoàn cảnh, với ngụ ý về những câu chuyện của cuộc đời.

Triển lãm 'Mây mưa' bày 50 tranh sơn dầu của 5 họa sĩ

Triển lãm 'Mây mưa' bày 50 tranh sơn dầu của 5 họa sĩ

"Mây Mưa" là tên cuộc Triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam từ ngày 2/11 – 7/11/2019, của nhóm của 5 họa sĩ đến từ vùng đất cổ Sơn Tây gồm có: Lê Phi, Nguyễn Ngọc Tuấn, Đinh Hồng Quân, Hoàng Sơn Tú, Nguyễn Tấn Phát.

Bằng bút pháp táo bạo, tác giả đã chọn cho mình một hướng đi khá đặc thù trong lối biểu đạt giữa bối cảnh của mỹ thuật đương đại.

Tiếc nuối giá trị văn hóa cộng đồng

Trong sân khấu kịch múa rối nước truyền thống của Việt Nam, chú Tễu là hình tượng khá đặc sắc. Chữ Tễu trong tiếng Nôm nghĩa là tiếng cười. Tễu là nhân vật dẫn chuyện, một nhân vật bạo dạn vừa tạo ra tiếng cười vừa giễu nhại, phê phán. Nguyễn Đức Lâm mượn hình ảnh chú Tễu như người dẫn chuyện cho các tác phẩm, không chỉ một chú tễu mà là những đám đông Tễu. Với anh “Tễu đại diện cho đủ mọi ái ố hỉ nộ trong cuộc đời”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đi qua sợ hãi” của Nguyễn Đức Lâm

Nguyễn Đức Lâm xây dựng những bối cảnh lớn với đông nhân vật và không gian hoành tráng. Tác phẩm với kích thước lớn nhất trong triển lãm là bộ 3 tranh ghép chất liệu sơn dầu với phong cách tượng trưng và mang xu hướng của hội họa ngây thơ (Naïve art). Mỗi tranh có kích thước 150x150 cm: Tháng năm rực rỡ, Cuộc chia tay thần thánh, Đêm nghe kể trường ca. Tác phẩm nói về 3 phân đoạn từ lúc người Việt cổ “con Rồng, cháu Tiên” hình thành ở bức tranh ghép thứ nhất, họ chia đôi ngả bắt đầu gây dựng cuộc sống ở bức thứ 2, rồi những câu chuyện được kể lại qua những già làng (theo lời tác giả). Được biết, những cảm hứng cho tác phẩm này đến từ những chuyến đi phượt Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam, khi anh chứng kiến sự mai một của văn hóa ở mọi vùng miền của đất nước.

Chú thích ảnh
Bộ ba tác phẩm “Tháng năm rực rỡ, Cuộc chia tay thần thánh, Đêm nghe kể trường ca” của Nguyễn Đức Lâm

Ở tác phẩm tranh ghép này, hệ thống nhân vật chính được lấy cảm hứng từ hình ảnh cô Tiên trên chạm khắc đình làng Việt, chú Tễu trong rối nước, cùng hình ảnh tượng nhà mồ Tây Nguyên. Các lớp sơn dày được vẽ theo lối đắp nổi tạo hiệu ứng biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ. Màu sắc tương phản với 3 màu chủ đạo: đen, đỏ, vàng khiến những nhân vật như nhày nhụa trong dòng chảy nham thạch. Các chú Tễu cười hả hê chen lẫn điệu bộ trào phúng, nhưng toàn bộ bối cảnh toát lên những sắc thái thể hiện sự lo âu, bí hiểm, và nghiêm trọng.

Tây Nguyên là vùng đất với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhưng cũng chính là nơi tốc độ xói mòn của văn hóa hiện đại đối với các giá trị truyền thống diễn ra một cách đáng báo động. Giới trẻ không còn nghe những buổi nói chuyện của già làng ở những ngôi nhà dài nữa. Các hoạt động văn hóa cồng chiêng gặp nhiều thách thức. Có thể thấy, lấy cảm hứng từ chính sự mất mát của văn hóa, tác phẩm của Nguyễn Đức Lâm cũng thể hiện rõ những cảm xúc hoang mang xáo trộn qua nhân vật, bút pháp, màu sắc và không gian.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Trái - Phải”

Nhân vật Tễu và chuyện đời

Hình ảnh Tễu được mở rộng với những tình huống, hiện tượng đa dạng mang cả màu sắc tâm linh lẫn đời sống. Ngày phán xét miêu tả một bối cảnh của nhiều nhóm nhân vật - như những cái bóng - bị trói chặt vào nhau, cuốn trong vòng xoáy. Lương duyên biểu hiện một mối quan hệ gia đình trong vòng bó buộc. Hay cũng với cách thể hiện đó, Trái - phải cũng thể hiện hình ảnh 2 vế nhân vật định hình trong sự ràng buộc lẫn nhau. Các tác phẩm Cứu rỗi, Hiện sinh, Luân hồi, Bóng đè... mang sắc thái tâm linh, ma mị ở cách dùng màu sắc tương phản mạnh (màu bổ túc) và sự biến dạng hình ảnh...

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Luân hồi”

Đó là những trải nghiệm, tưởng tượng, suy tư hay những câu hỏi của tác giả còn để ngỏ về những hiện tượng mang ý nghĩa xã hội, giá trị đạo đức mà xã hội đặt ra cho cá nhân và tập thể trong sự ràng buộc, phán xét lẫn nhau.

Có thể thấy, mô-típ chung tạo nên các tác phẩm trên là những chú Tễu với các hình ảnh biểu tượng của mong ước tự do như đôi cánh, hay dây quấn tượng trưng cho sự bó buộc, tất cả trôi nổi trong không gian hỗn mang thể hiện sự lo âu không lời giải đáp.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hiện sinh”

Họa sĩ sử dụng đa chất liệu (của vật liệu đỡ) từ giấy Giang (một loại giấy thủ công làm từ cây Giang của dân tộc Mông Tây Bắc), giấy Chuối (loại giấy đang được thử nghiệm làm từ sợi cây chuối), giấy dó, vải... kèm theo màu acrylic, mực nho, màu bột, màu nước, sơn dầu...

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Cứu rỗi”

Trong triển lãm đầu tiên này, người xem có thể nhận thấy có sự thống nhất giữa nội dung các tác phẩm với hinh thức - ngôn ngữ biểu đạt. Ngôn ngữ tạo hình của Nguyễn Đức Lâm không nhiều người lựa chọn, bởi nó khá hạn chế trong việc phát triển tác phẩm. Tuy vậy, việc lựa chọn hình ảnh xuyên suốt, mang ý nghĩa biểu tượng đã là một thành công cho các tác phẩm.

Chú thích ảnh
Không gian triển lãm

Chú thích ảnh

Tác giả với huyễn tưởng cá nhân về một thế giới nơi anh có thể đứng ngoài quan sát, đã tạo nên những câu chuyện khá phong phú, như một thế mạnh, để anh khám phá bản thân và có thể tiếp tục khai thác ở những câu chuyện hội họa tiếp theo.

Với tác giả Nguyễn Đức Lâm, “Tễu đại diện cho đủ mọi ái ố hỉ nộ trong cuộc đời”.

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm