Vĩnh biệt NSND Nguyễn Tiến: Giàn trầu thương nhớ vườn cau

29/11/2021 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Nghe tin Đại tá, NSND Nguyễn Tiến - nghệ danh “Tiến Bầu” gửi lại dương thế tuổi 68 vào đêm 27/11/2021 sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, bạn bè đồng nghiệp, công chúng lặng buồn tiếc thương và chia sẻ cảm xúc trên trang Facebook của mình.

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long: Mang 'hồn cốt Hà Nội' bước vào... tuổi 60

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long: Mang 'hồn cốt Hà Nội' bước vào... tuổi 60

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long được thành lập từ năm 1960. Trải qua 60 năm xây dựng, vượt qua nhiều khó khăn, Nhà hát đã phát triển vững mạnh toàn diện, từ Đoàn Ca múa Hà Nội đi lên thành Nhà hát hạng I.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bồi bồi, xúc động, có cả nuối tiếc, ngậm ngùi, “tự trách” mình mê đàn bầu mà mãi “nợ” người “nghệ sĩ đàn bầu số một Việt Nam” một cuộc hẹn. Câu hỏi trong lần gặp cuối cùng “Thiều bảo học đàn bầu mà sao không thấy đến?” cứ day dứt tâm can.

“Ông có phổ nhạc một bài thơ của tôi. Tôi cũng đã nghe hát bài đó. Nhưng thơ tôi là thứ thơ hầu như không nhạc sĩ nào muốn phổ. Có lẽ chỉ có ông phổ bài Hoa dâm bụt và nhà thơ, nhạc sĩ Lương Tử Đức phổ bài Tiếng gọi tình yêu: Xin cám ơn tiếng đàn bầu kỳ diệu của ông. Xin cúi đầu tiễn biệt ông. Tôi xin đưa lại bài thơ Hoa dâm bụt để tưởng nhớ ông” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.

Tôi đã xem nhiều chương trình biểu diễn của anh với bao cảm xúc khó quên. Khi giữ cương vị lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Đại tá - NSND Nguyễn Tiến và Nhà hát đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật cho cơ quan tôi nhân một số sự kiện văn hóa...

Chú thích ảnh
NSND Nguyễn Tiến (nghệ danh Tiến Bầu)

Nguồn mạch đàn bầu

Đại tá, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến tên thật là Nguyễn Văn Tiến sinh ngày 1/9/1953 tại Nam Định trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Đất thành Nam luôn nhắc tên ông nội anh là nghệ nhân đàn bầu lừng danh. Cha anh là nghệ nhân - NSƯT Nguyễn Văn Tiếu với cây đàn bầu nổi tiếngtừng công tác tại Ty Văn hóa Nam Định,Nhà hát Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Môi trường gia đình đã nuôi dưỡng cho anh tình yêu nghệ thuật dân tộc. 2 anh em song sinh - NSND Nguyễn Tiến và NSƯT Thúy Đạt - đã đồng hành trên từng chặng đường, cùng cống hiến cho văn hóa dân tộc. Nhờ cha định hướng, 2 anh em biết chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc.

Từ năm 7 tuổi, Nguyễn Tiến đã tham gia hoạt động tại Câu lạc bộ Vàng Anh (Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Nam Định). Nguyễn Tiến may mắn 2 lần (10 tuổi và 13 tuổi) được gặp Bác Hồ và được biểu diễn đàn bầu cho Bác Hồ nghe. Phụ trách CLB là nhạc sĩ Trần Viết Bính - tác giả ca khúc Hạt gạo làng ta (phổ thơ Trần Đăng Khoa) bồi hồi nhớ lại cuộc gặp Bác lần thứ nhất: “Năm 1963, trong lần Bác Hồ về thăm Nam Định có chú bé đánh đàn bầu rất giỏi cùng với đội đồng ca Vàng Anh Nam Định được đến biểu diễn phục vụ Bác. Chú bé đánh đàn hôm ấy là diễn viên nhỏ nhất đoàn, được Bác thưởng kẹo và được Bác ôm vào lòng chụp ảnh chung. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, chú bé ấy giờ là nhạc sĩ, NSND, Đại tá, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội Nguyễn Tiến”.

Chú thích ảnh
Cặp song sinh cùng thành công trong lĩnh vực nghệ thuật: NSND Nguyễn Tiến và NSƯT Thúy Đạt

Năm 1966, cậu bé Nguyễn Tiến và em gái song sinh Thúy Đạt tuổi 13 cùng 2 chị Ái Vân và Ái Xuân được mời vào Phủ Chủ tịch biểu diễn văn nghệ nhân dịp đón khách nước ngoài. Lời khen ngợi và sự khích lệ của Bác Hồ đã đi theo anh suốt cuộc đời…

Từ môi trường gia đình ở miền đất Nam Định giàu trầm tích văn hóa, hoạt động của CLB, năng khiếu nghệ thuật đã được chắp cánh. Năm 1970, Nguyễn Tiến nhập ngũ theo học tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Sau khi tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành đàn bầu với số điểm tuyệt đối 10/10, nghệ sĩ Nguyễn Tiến về nhận công tác tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Năng khiếu bẩm sinh lại được đào tạo bài bản và cùng trải nghiệm thực tiễn đã giúp anh trở thành nghệ sĩ đàn bầu xuất sắc.

Từ nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu xuất sắc, nối nghiệp cha (người đầu tiên mang đàn bầu đi biểu diễn ở Trung Quốc vào năm 1956), anh đã mang cây đàn bầu độc đáo quảng bá tới hàng chục nước trên thế giới. Không dừng ở biểu diễn, anh nuôi khát vọng chuyển tải cảm xúc của mình vào tác phẩm. Anh quyết định tiếp tục học tập, nâng cao trình độ. Sự nghiệp của NSND Nguyễn Tiến vì thế đã thành công trên cả 2 lĩnh vực biểu diễn và sáng tác.

Phong cách nghệ thuật đậm đà chất dân gian

Với tư cách nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến là tác giả của gần 300 ca khúc. Anh đã xây dựng được một phong cách riêng, đậm đà chất dân gian với âm hưởng mượt mà, thiết tha, lắng đọng. Sự gắn bó máu thịt của anh với cây đàn bầu đã tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo của “thương hiệu” Tiến Bầu. Có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng của anh, như: Hoa cau vườn trầu, Nhớ đêm giã bạn, Chuyện tình lá diêu bông, Chiều mưa Hà Nội, Hoa cỏ may, Nam Định mình ơi, Hoa dâm bụt, Hồn Việt, Dời đô, ngàn năm còn mãi…

Chú thích ảnh
NSND Nguyễn Tiến cùng Dàn nhạc Dân tộc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội

Tên tuổi anh gắn bó máu thịt với ca khúc Hoa cau vườn trầu nổi tiếng. Là người con Nam Định, anh mê thơ Nguyễn Bính. Ảnh hưởng từ bài thơ Tương tư với hình tượng trầu, cau: “Nhà em có một giàn giầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng”của thi nhân đã đi vào thơ anh một cách tự nhiên, sáng tạo và mang âm hưởng cuộc sống, tình yêu hôm nay: “Nhà anh có một vườn cau/ Nhà em có một vườn trầu/ Ngày ngày nhìn sang bên ấy/ Hoa cau bên này rụng trắng sân nhà em/ Anh lên đường mẹ xin nắm trầu nhuộm áo cho anh/ Một lá trầu xanh thắm tình em chẳng phai màu...”.

Thành công trong sáng tạo nghệ thuật của NSND Nguyễn Tiến trước hết là bởi nội lực của bản thân. Anh là người “nắm vững các loại hình nghệ thuật truyền thống (chèo, tuồng, cải lương, ca Huế, dân ca các dân tộc…)”. Từ những năm 1970 khi đang theo học, anh đã cần mẫn, đam mê, trở thành “người đầu tiên sáng tạo và duy nhất sử dụng que ngắn 2 chiều trong biểu diễn đàn bầu, mở ra một trường phái sử dụng que ngắn cho Nhạc viện Hà Nội và các lớp học sinh sau này” (Theo vnmusic.com.vn).

Giải thưởng dành cho người lao động sáng tạo

NSND Nguyễn Tiến đã vinh dự nhận 18 giải thưởng trong nước và quốc tế, đó là: HCV đàn bầu Hội diễn Nghệ thuật Toàn miền Bắc (lứa tuổi thiếu niên); HCV tại Festival Cộng hòa Dân chủ Đức với Ru con Nam Bộ năm 1973; HCV Hội diễn Nghệ thuật toàn quân; Bằng danh dự (bằng cao nhất) tại Nhạc hội đàn bầu toàn quốc lần thứ nhất; Giải A đơn ca độc tấu; Giải Nhất Giải thưởng Âm nhạc Quốc gia của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho tác phẩm Dời đô, ngàn năm còn mãi. Ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huy chương Chiến dịch Hồ Chí Minh; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Hữu nghị Việt - Lào; Huy chương “Vì thế hệ trẻ”…

Năm 1997, nhạc sĩ Nguyễn Tiến được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2012, anh nhận “cú đúp”: Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Là nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng của Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến luôn có ý thức lan tỏa niềm đam mê đàn bầu cho học viên ở các các trường nghệ thuật. Đặc biệt thế hệ thứ tư trong gia đình anh đang nối nghiệp cây đàn bầu dân tộc. Nguyễn Tùng - Nghệ danh “Tùng Bầu” hứa hẹn nối tiếp thành công của gia đình có 4 đời gắn bó với đàn bầu...

Cặp song sinh cùng thành công trong lĩnh vực nghệ thuật: NSND Nguyễn Tiến và NSƯT Thúy Đạt. Đọc bài thơ cô em gái song sinh của anh - NSƯT Thúy Đạt (Biên tập viên Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam) chia buồn trên trang Facebook khiến bao người xúc động:

Thế là bát máu sẻ làm đôi

Từ nay em đã mất anh rồi

Khúc ruột mẹ cho giờ chia nửa

Em hát một mình với đơn côi

…Vắng tiếng đàn anh lời tâm sự

Réo rắt ngọt bùi những khúc nhôi

Tạo hóa cho anh về đất mẹ

Cùng với Tổ tiên hỡi anh ơi...

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm