Thư gửi robot citizen: 'Của Caesar hãy trả cho Caesar'

05/08/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Sophia thân mến! Một câu chuyện hy hữu mới xảy ra tại TP Huế cuối tuần qua, một nghi phạm 38 tuổi, từng công tác tại Trại giam Bình Điền, đã cầm súng AK47 tới khu vực chợ Đông Ba (TP Huế).

Bảo vệ nhặt được 1 tỷ đồng trả lại người mất

Bảo vệ nhặt được 1 tỷ đồng trả lại người mất

Một khách hàng đã bỏ quên 1 tỷ đồng giữa sân của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Bình Dương. Anh Tân nhặt được, sau đó đem tiền giao lại.

Tại đây, nghi phạm xông vào hai tiệm vàng, bắn nhiều phát đạn vào các tủ kính, lấy vàng chạy ra ngoài và ném xuống đường, sau đó rời khỏi hiện trường. Số vàng ném ra đường bị nhiều người dân đổ xô đến nhặt bỏ túi.

Đúng là một câu chuyện “hy hữu” Sophia ạ. Trong lá thư này, tôi không bàn về hành vi khó hiểu của nghi phạm, mà chỉ muốn nói về hành vi của một số người liên quan. Với số vàng nhặt được, nếu như họ không trả lại, họ có phạm tội không? Pháp luật sẽ xử lý ra sao?

Xin kể cho Sophia nghe một chuyện cũ. Đầu năm 2021, một cô gái đánh rơi một cục tiền 30 triệu đồng trên đường, và trong vòng 15 giây,nhiều người đi đường đã thản nhiên lao vào nhặt số tiền trên đút vào túi của mình. Báo chí đã gọi vụ việc này là nạn “hôi” tiền, một thứ virus đáng sợ trong một xã hội văn minh. Khi ấy cô gái đánh rơi tiền cũng đã khóc lóc, van xin mọi người trả tiền nhưng chỉ có...một người bán hàng trả lại 4 triệu đồng.

Có thể Sophia sẽ hỏi lại tôi: Ở các quốc gia khác, trong những trường hợp như thế này, người dân sẽ hành động như thế nào? Họ có trả lại đồ nhặt được không?

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ cướp tiệm vàng. Ảnh: Internet

Theo như tìm hiểu của cá nhân tôi, các quốc gia khác, bên cạnh việc giáo dục thì họ đưa vấn đề này vào luật pháp. Chẳng hạn theo Đạo luật Đồ bị mất tại Hàn Quốc, chủ sở hữu phải trả 5-20% giá trị món đồ cho người nhặt được để cảm ơn. Còn nếu như ai nhặt được tiền hoặc ví tiền mà cho ngay vào túi mình, người đó sẽ bị kết tội chiếm đoạt tài sản bị rơi của người khác. Khi ấy mức phạt sẽ là 3 triệu won (60 triệu VND), nặng hơn thì sẽ phạt tù 1 năm.

Tại Nhật Bản, người dân có niềm tin “vạn vật đều là Thần” đã ảnh hưởng sâu sắc đến đạo đức và lối sống của người dân. Mỗi một đồ vật đều có 1 vị thần che chở. Chính vì vậy, họ tin rằng nếu sử dụng đồ vật của người khác mà không có sự đồng ý thì sẽ bị trừng phạt.Ngoài ra, luật pháp nước này quy định ai nhặt được của rơi "phải nhanh chóng trả lại cho chủ hoặc giao nộp cảnh sát, bất chấp giá trị món đồ". Sau đó nếu món đồ được tìm thấy, pháp luật cũng yêu cầu người làm mất phải hậu tạ "ít nhất là 5% và nhiều nhất là 20% giá trị tài sản cho người nhặt được".

Tại Việt Nam, “Nhặt được của rơi trả lại người mất” cũng được đưa vào giáo dục từ rất lâu. Theo quy định của pháp luật,nếu người nhặt được không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp thì tùy theo giá trị tài sản người nhặt được có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị xử lý hình sự.

Nhưng có vẻ trong suy nghĩ, nhiều người vẫn cho rằng đấy là vấn đề đạo đức hơn là vấn đề pháp lý. Bằng chứng là cho đến lúc này, sau khi cơ quan chức năng đã kêu gọi, vận động nhưng mới chỉ có...8 người dân đến nộp lại vàng (tính đến 3/8, số vàng mà cơ quan công an tiếp nhận từ người nhặt được rồi đem đến nộp là 2,5 lượng. Trong khi, theo Công an TP Huế, qua hệ thống giám sát camera giao thông, số người nhặt được vàng còn nhiều hơn).

Sophia thân mến!

Tôi nhớ có một câu nói từ lâu đã trở thành một ngạn ngữ phổ biến và áp dụng trong nhiều tình huống của đời thường, đó là “Của Caesar hãy trả lại cho Caesar”. Nghĩa đơn giản của câu nói đó là: Cái gì của ai thì phải trả lại cho người nấy, không tham lấy của người làm cái lộc, cái phúc cho mình.

Điều này thì đúng quá rồi có phải không Sophia? Xin chào, hẹn gặp lại cô thư sau!

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm