Tản văn cuối tuần: Nhớ ông phó cối

06/08/2022 07:18 GMT+7

Chữ “phó” khi xưa gắn với một chức dịch ở làng là phó lý, đứng sau lý trưởng. Chữ phó lại còn gắn với nghề. Ngày trước thợ làm nghề giỏi giang ở vị trí thợ cả thì được thêm chữ phó ở đầu: Phó mộc, phó may, phó cối, phó lò (lò gạch). Đó là những người một mình xoay trần làm chủ một nghề, làm chủ việc mình làm chứ không phải người sai vặt, làm thuê ở nghề đó.

Tản văn cuối tuần: Cái quạt thóc một thời

Tản văn cuối tuần: Cái quạt thóc một thời

Thăm Việt phủ Thành Chương, bất ngờ gặp cái quạt giấy dùng quạt thóc, cái quạt mà đã dần mờ trong kí ức tôi, nếu nó không được nhắc lại trên bức vách.

Đóng cối là nghề đòi hỏi người có sức khỏe như thợ đấu, đô vật, một mình xoay trần với công việc. Bác Ngọc ở xóm Phố chỗ tôi người cao to lực lưỡng là bác phó cối cuối cùng tôi được biết đến trước khi nghề đóng cối thất truyền.

Đóng một cái cối xay thợ giỏi phải mất ba ngày. Chỉnh sửa có khi kéo ra đến bốn năm ngày. Đóng xong phải để cho đất hai thớt cối khô dóc, dăm được cố định, lâu cả tháng mới dùng được.

Đầu tiên là phải chuẩn bị sẵn hai khúc tre đực già đóng chữ thập làm bệ. Đầu ngoài mỗi khúc đều có chốt chân. Giữa chữ thập đặt “ngõng cối” bằng gỗ tốt, cao lên bằng thớt trên. Ngõng giữ cho “thớt cối” cố định khi xay. Cối có hai thớt trên và dưới, có “vành cối” giữ gạo khi xay. Có “tai cối” mắc “tràng xay”. Ngày trước, thóc đổ bồ, muốn có gạo ăn phải xay giã. Xay lúa là công việc nặng nhọc trong gia đình. Nhưng thóc tươi gạo mới, hạt cơm bao giờ cũng dẻo thơm hơn cả gạo xuất khẩu đóng bao ngày nay.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa Đỗ Đức

Nguyên liệu của thợ đóng cối chỉ ba loại: Đất, tre và gỗ. Gỗ sồi chẻ làm dăm cối, gỗ nhãn làm ngõng. Còn tràng xay thì gỗ nào cũng được. Tre già chẻ ra nan tròn, chuốt kĩ làm nan đan vành và khuôn thớt cối. Cuối cùng là đất sét được làm sạch, loại hết sỏi sạn để nhồi hai thớt. Đây là công việc nặng. Chày giã đất làm thớt cối to cỡ bắp chân, thường là dùng làm đòn gánh.

Trừ đất mang theo, còn các bộ phận mô tả trên thì phó cối có thể làm sẵn ở nhà.

Cối xay thóc chín hay sống phụ thuộc rất nhiều vào đường xoáy khi đóng “dăm cối”. Cối đóng xong phải xay thử, xem mẻ xay sống chín thế nào để phó cối điều chỉnh lại đường răm. Thóc xuống sống nhiều, có khi phải phá thớt cối, nhổ dăm, chành đất đóng lại.

Có câu đố về cái cối xay: “Một trăm tấm ván, một vạn thằng quân, thằng nào cởi trần, thì chui xuống trước”!

Cối xay có nhiều kiểu. Có kiểu không có vành, có kiểu vành đóng bằng gỗ mà không đan nan tre. Nhưng bây giờ nghề đống cối đã thất truyền vì không ai dùng cối xay. Bây giờ, máy xay xát làm nhanh hơn nhiều.

Chữ phó trong phó cối nay chỉ còn trong thành ngữ “Ăn như phó cối”, nghĩa là phó cối ăn rất khỏe!

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm