Nguyễn Hoàng Diệu Thủy: Chia sẻ cảm giác 'đu đưa hạnh phúc' với tuổi thơ

06/07/2022 19:07 GMT+7 | Văn hoá

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là tác giả có duyên với Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn (do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức). Tác phẩm đầu tay Trong vòng tay mẹ của chị từng lọt vào vòng chung khảo của giải năm 2021. Mới đây, tập truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng của chị đã đoạt giải Khát vọng Dế Mèn lần 3 - 2022, từ khi mới chỉ là bản thảo.

'Trong vòng tay mẹ' của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy: Ru con và thức tỉnh con

'Trong vòng tay mẹ' của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy: Ru con và thức tỉnh con

Có cảm tưởng chưa bao giờ việc nuôi dạy con lại gặp nhiều thách thức như thời hiện đại. Điều lớn nhất có lẽ là sự không hiểu được nhu cầu của đôi bên, cha mẹ và con cái. Nhiều cuốn sách mang tính khoa học lẫn kinh nghiệm thực tiễn của các cha mẹ ra đời, nhưng với tốc độ phát triển quá mau lẹ của công nghệ, việc nuôi dạy con cũng liên tục bị đòi hỏi cập nhật.

Nhân dịp Đu đưa trên ngọn cây bàng (NXB Phụ nữ Việt Nam & Nhã Nam, 2022) mới ra mắt bạn đọc, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.

Từ những câu chuyện kể trên facebook…

* Tập truyện “Đu đưa trên ngọn cây bàng” được ra đời như thế nào, thưa chị?

- Mặc dù tốt nghiệp ngành văn chương và là một biên tập viên sách lâu năm, nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ viết văn. Tôi đọc nhiều sách văn chương, yêu mến nhiều tác giả, nhưng tôi thấy rất kỳ cục nếu tự cầm bút viết, một công việc chẳng có gì hấp dẫn, ghép bao nhiêu chữ mới được một cuốn sách, nghĩ đã thấy oải. Tôi tự dựng một rào chắn trong đầu: Không, tôi không liên quan gì đến việc viết hết, tôi là một biên tập viên, thế thôi. Thành ra tôi ở rất gần với thế giới của những người viết, mà lại rất xa.

Nhưng tôi là một người dùng facebook tương đối đều đặn. Ngoài những bài điểm sách, tôi bắt đầu kể những câu chuyện thú vị mà tôi quan sát được xung quanh mình và nhận được nhiều chia sẻ từ người đọc. Không khí đó rất thân thiện và truyền cảm hứng. Vậy nên tôi kể chuyện nhiều hơn, bắt đầu “làm xiếc”, “tung hứng” với những con chữ và dần thấy “trò” viết này hóa ra cũng vui. Các status (dòng trạng thái) chính là những bài tập nho nhỏ dễ thương chuẩn bị cho các cuốn sách sau này.

Chú thích ảnh
Tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (thứ 2 từ phải sang) nhận giải Khát vọng Dế Mèn 2022

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đến, công việc chính giảm đi, cũng như nhiều người khác tôi quanh quẩn với gia đình bé nhỏ của mình. Đó là lúc tôi cầm bút viết cuốn sách thứ nhất, tập tạp bút Trong vòng tay mẹ. Sau cuộc “phá rào” lần thứ nhất thì cuốn sách thứ hai đến rất tự nhiên.

Có lần tôi đăng một bài viết kể chuyện ngày xửa ngày xưa lên facebook được rất nhiều người thích và bàn tán rôm rả, tôi nghĩ hay là phát triển nó thành một cuốn sách, thế là Đu đưa trên ngọn cây bàng đã ở đây. Hóa ra trải nghiệm là một người viết không chán như tôi tưởng, khám phá mình ở một góc độ khác khá vui. Nhất là khi tác giả đồng thời là người nhận đơn đặt hàng sách trực tiếp của độc giả trên facebook! (cười).

* “Đu đưa trên ngọn cây bàng” có lẽ là một là một tựa đề thú vị và đầy hình tượng. Lý do nào để chị lựa chọn tựa đề đặc biệt này?

- Tựa đề này được chọn khi tôi viết đến chừng nửa non cuốn sách và định hình được tinh thần mà mình đang theo đuổi là gì. Dĩ nhiên nó bắt nguồn từ hành động của nhân vật chính: Cô bé Thủy rất thích leo lên ngọn cây bàng hóng nắng hóng gió, để tận hưởng cảm giác bay bổng ngất ngư, và để cảm thấy được vỗ về an ủi mỗi khi nỗi buồn tìm đến.

Nhưng Đu đưa trên ngọn cây bàng cũng diễn đạt chính xác tinh thần của cuốn sách mà tôi mong muốn, ấy là cảm giác sảng khoái tuyệt vời, là niềm vui thuần khiết không vướng bận, là thứ hạnh phúc trong ngần dường như chỉ có ở tuổi thơ. Đấy là những cảm xúc mà khi trưởng thành dù muốn dù không chúng ta đánh mất. Vì thế những câu chuyện nho nhỏ trong cuốn sách dù có những nốt trầm thì hơn hết vẫn là một hợp âm sinh động, náo nức, say mê.

Chú thích ảnh
Tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với “Đu đưa trên ngọn cây bàng”

Gợi lại những ký ức tuổi thơ giàu cảm xúc

* Được biết, nhân vật chính trong tập truyện là cô bé Thủy (trùng tên với chị), một cô nhóc hiếu động và hồn nhiên. Liệu những câu chuyện của cô bé Thủy trong truyện cũng chính là tuổi thơ của chị?

- Tôi ước giá như mình đã đặt tên cô bé khác đi! (cười) Vì sau khi đọc sách mọi người rất hay hỏi ngày xưa tôi thế này thế kia à, các nhân vật trong sách bây giờ cuộc sống thế nào. Cô họa sĩ minh họa cho sách hỏi “Chị ơi bìa sách em vẽ chị đu đưa trên ngọn cây bàng nhé?”, và con tôi thì “Lêu lêu, ngày xưa bé tí mà mẹ đã yêu đương”…

Dĩ nhiên hồi ức là một chất liệu quan trọng, tôi cảm thấy biết ơn quãng đời tuổi thơ được sống ở một vùng trung du thiên nhiên khoáng đạt, và dù cuộc sống vật chất rất nghèo tôi vẫn được lớn lên trong tình yêu thương. Nhưng hồi ức của tôi, hay của ai cũng thế, đều có giới hạn. Người viết sẽ kẹt chữ nếu chỉ bám vào hồi ức. Vì thế câu chuyện hòa trộn giữa cái thật và hư cấu, cô bé Thủy trong cuốn sách này phần nào là tôi nhưng cũng là hình ảnh của nhiều cô cậu bé khác.

* “Đu đưa trên ngọn cây bàng” đã dựng lại được một thế giới đầy ắp những kỉ niệm của một tuổi thơ thời đầu Đổi mới, với tất cả chất hồn nhiên, trong trẻo và đáng yêu của những đứa trẻ. Vậy, có gì đặc biệt ở thế giới tuổi thơ trong “Đu đưa đưa trên ngọn cây bàng”, thưa chị?

- Khi bắt đầu viết cuốn sách tôi có nghĩ một chút đến bối cảnh câu chuyện và băn khoăn mình có nên lấy một bối cảnh xưa cũ hay không, có nên lấy không gian thành thị để dễ tiếp cận độc giả hay không. Nhưng tôi muốn cuốn sách không chỉ được độc giả nhỏ tuổi tìm đọc, mà cả những người lớn đã từng sống trong một quãng đời giống tôi đọc và chia sẻ.

Vì thế tôi khắc họa, nhẹ nhàng thôi, không khí của một xã hội vừa ra khỏi bao cấp, chớm mở cửa ở thời Đổi mới. Lúc ấy đa số đều vẫn rất nghèo, con gà là biểu tượng vật chất ám ảnh đối với mọi gia đình. Nhưng bố mẹ cô bé Thủy là giáo viên đã được phép mở một hiệu may, và loay hoay tìm đủ cách bươn chải trong bối cảnh xã hội mới, bố của cô bé Linh làm kinh doanh như hình mẫu của tư duy kinh tế mới, hay cô giáo Mai Thi đã bắt đầu đi dạy tiếng Anh thay vì tiếng Nga...

Chú thích ảnh
"Đu đưa trên ngọn cây bàng" (NXB Phụ nữ Việt Nam & Nhã Nam, 2022)

Điều đặc biệt của lũ trẻ trong cuốn truyện này là chúng không giàu có vật chất, chúng khát khao từng bữa ăn có thịt và tuyệt vời hạnh phúc khi có một chiếc áo mới. Nhưng chúng giàu có thiên nhiên, đặc biệt chúng có rất nhiều không gian và thời gian tự do, được người lớn để yên, để chúng khám phá thiên nhiên và khám phá cảm xúc của chính mình. Điều này khác hẳn lũ trẻ thành phố với cuộc sống vây quanh toàn bê tông, đầy ắp quần áo và đồ ăn khiến chúng không còn khát khao gì, và lỡ chúng có leo lên một cái cây nào đó thì bố mẹ lập tức sẽ gọi chúng xuống đi học thêm ở một trung tâm nào đó.

Khi viết cuốn sách tôi ngẫm ngợi về tuổi thơ của những thế hệ khác nhau và tự hỏi, liệu lũ trẻ bây giờ có hạnh phúc hơn hay không?

Đến với văn chương thiếu nhi như điều đương nhiên

* “Đu đưa trên ngọn cây bàng” là tác phẩm xuất bản thứ 2 của chị, và chị đã chọn viết cho thiếu nhi, một lựa chọn mà xưa nay luôn đầy thách thức với nhiều tác giả. Vậy lý do nào khiến chị có lựa chọn này?

- Tôi đã đọc rất nhiều sách văn chương của người lớn và biên tập không ít sách văn chương cho người lớn, đa số là chuyện buồn, những bi kịch khốc liệt, những bạo lực gớm ghê, những nỗi buồn nặng trĩu, những niềm vui đắng nghét,… tôi thấy đủ rồi. Tôi thích sự tươi non, rực rỡ, sảng khoái, mơ mộng, thẳng băng của trẻ con, những sắc thái mà tôi quan sát được từ những đứa con của mình và bọn trẻ xung quanh. Vì thế tôi đến với văn chương cho thiếu nhi như thể là một điều đương nhiên vậy.

* Trở lại với “Đu đưa trên ngọn cây bàng”, chị mong muốn mang tới điều gì cho độc giả qua tập truyện?

- Tôi hy vọng chia sẻ được cảm giác đu đưa hạnh phúc với độc giả nhỏ tuổi, và khơi dậy cảm xúc đó ở những đứa trẻ bên trong người lớn chúng ta, những người đã buộc phải lớn lên, bởi chẳng ai có thể chọn ở mãi với tuổi thơ như Peter Pan được.

Đây cũng là cuốn sách rất động và rất nhiều hành động, tôi mong có thể chia sẻ được không khí náo động sôi nổi của tuổi nhỏ tới mọi người.

* Xin cảm ơn chị!

“Dế Mèn cho tôi cảm hứng để viết tiếp”

“Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn đúng là mang đến cho tôi một cảm hứng để viết tiếp. Và phản hồi đáng yêu của các độc giả nhỏ nữa. Nhìn thấy một bạn nhỏ đọc sách của mình mà cười khanh khách hoặc bật khóc là “đã” lắm. Đặc biệt có một bạn nhỏ rất yêu mến hai cuốn sách của tôi, bạn ấy mong được xuất hiện là một nhân vật, phụ thôi cũng được, trong cuốn sách tôi viết tiếp theo, và bạn ấy nói sẽ “đấu tranh” đến khi nào được mới thôi. Làm sao tôi có thể phụ lòng những độc giả như vậy”! (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy).

Những khoảnh khắc mê say của tuổi thơ

"Quả là thú vị khi được trở lại ngôi trường bàn ghế cộc lệch, học trò phải tráo ghế của nhau để được cái ghế lành, của thế hệ 7x, 8x ở nông thôn miền Bắc một thời. Nhưng những trò mục đồng này lại là của một đứa con gái tinh nghịch thứ thiệt, không có cái đũng quần nào lành, cái nào cũng vá chằng vá đụp.

Đu đưa trên ngọn cây bàng là tác phẩm chứa chan ký ức về một tuổi thơ trung du nghèo, nhưng đời sống giản đơn, trong veo. Nó gợi lại những khoảnh khắc mê say không rõ ràng, không lý do của tuổi thơ, giống như khi cô bé ấy chạy ra đồng theo những cánh bướm rắc đầy kim tuyến. Cuốn sách của những câu chuyện vô cùng cảm động, những pha hài hước bất ngờ, tất cả toát lên tình đời ăm ắp” (Nhận xét của Ban tổ chức Giải thưởng Dế Mèn)

 

Duyên ngầm trong mạch chữ

"Đu đưa trên ngọn cây bàng ghi lại được tuổi hoa niên đằm thắm với những vui buồn trong một xã hội vừa thoát bao cấp. Truyện nhiều tình tiết cảm động, nhiều chất hoạt kê cùng diễn tiến tự nhiên, có sự ý nhị pha duyên ngầm trong mạch chữ. Rất xuất sắc trong các hoạt cảnh cùng những chi tiết tuy nhỏ bé nhưng ý nghĩa sâu xa và toát ngời trong trắng chưa vấy đục. Có sức lôi cuốn và tạo ra sự bịn rịn với các nhân vật.

Cuốn sách không duy nhất dành cho thiếu nhi mà người lớn đọc cũng chịu cuốn hút. Và tuy xây cất trên nền ý cao tình đẹp và mã thượng nhưng nhật ký của cô bé không giả tạo mà vẽ lên khung cảnh của một mái ấm gia đình miền quê xa, với tất cả khó khăn và "phấn đấu" vươn lên thoát nghèo, thoát cả sự ích kỷ của con người” (Nhà văn Trần Vũ).

 

Công Bắc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm