Cuộc thi Tài năng cải lương Trần Hữu Trang 2022: Còn đó, mối bận tâm 'tuồng cũ'

18/07/2022 19:06 GMT+7 | Văn hoá

Nghệ sĩ cải lương, trong tình hình hiện tại, không có nhiều dịp thí thố. Cho nên, khi Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022 vừa chuẩn bị khởi động, đã có gần 40 nghệ sĩ đăng ký tham gia, dù đến trung tuần tháng 9 mới bắt đầu diễn ra.

Trao huy chương cho các tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang

Trao huy chương cho các tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang

Tối 3/11, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình công bố, trao giải và công diễn cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang – 2020” tại Nhà hát Thành phố (Quận 1).

Đây là năm thứ 2, cuộc thi danh giá của sân khấu phía Nam được nâng tầm lên cấp quốc gia. Cuộc thi được tổ chức 2 vòng, trên phạm vi toàn quốc, với lịch thi khá dày đặc.

Vốn được trông đợi

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Trưởng BTC Cuộc thi) cho biết tiêu chí được giữ nguyên như năm 2020, nhưng sẽ có thêm Hội đồng báo chí tham gia. Hội đồng báo chí sẽ chọn ra hai nhân tố nổi bậc nhất, gồm 1 kép 1 đào, để trao giải thưởng.

Một mùa giải hứa hẹn sẽ rộn ràng vì, sẽ có 30 huy chương được trao, trong đó có 10 huy chương Vàng, 20 huy chương Bạc, gồm các thể loại vai: kép mùi, đào mùi; kép độc, đào lẳng; kép lão, đào mụ; kép hài, đào hài. Như lý giải của ban tổ chức, việc xác lập các giải thưởng đa dạng thể loại vai diễn là một đổi mới có tính nhân văn, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thường đảm nhiệm những vai phụ trong vở diễn có điều kiện phát huy tài năng.

Chú thích ảnh
Hội nghị công bố về cuộc thi vừa diễn ra tại TP.HCM

Không ít nghệ sĩ trông đợi vào cuộc thi thố tài năng này, vì đây là một sân chơi quan trọng để có thể tìm kiếm nhiều cơ hội hơn một chiếc huy chương, khi các huy chương của Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, kể từ mùa giải 2020, đã được chính thức công nhận trong việc bình xét danh hiệu NSƯT, NSND. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy xác nhận: “Thành tích mà các nghệ sĩ, diễn viên đạt được từ cuộc thi được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chứng nhận, là cơ sở đề xuất xem xét trong các đợt xét danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú do nhà nước phong tặng”.

NSND Trần Ngọc Giàu cho biết thêm: “Vì thế, sẽ thiệt thòi cho các thí sinh đoạt Huy chương Vàng trong các đợt thi cũ, nên tổ chức giải như thế này để các nghệ sĩ ấy có điều kiện tham gia trở lại, bổ sung thành tích nghệ thuật”.

Không lạ, khi mùa thi năm nay, có không ít nghệ sĩ từng ứng thí trước đó tham dự tiếp. Quy chế thi có ghi rõ: đối tượng được miễn thi vòng sơ tuyển là các thí sinh đã đạt Huy chương Vàng của Giải thưởng Trần Hữu Trang những năm trước và Huy chương Bạc tại Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020.

Khi ban giám khảo “chịu trận” coi tuồng cũ

Hai năm khoác chiếc áo mới với quy mô cấp quốc gia, giải thưởng danh giá của sân khấu cải lương được kỳ vọng sẽ làm được nhiều việc hay ho so với mùa giải trước. Đồng thời cũng đứng trước một thực trạng cũ, mà chính người trong cuộc cũng phải phàn nàn. Đó là màu sắc, nội dung thi của thí sinh khá “nghèo nàn”. Điều này trở thành mối bận tâm lớn của chính người ngồi ghế nóng liên tục qua nhiều mùa giải.

Chú thích ảnh
Vài thành viên ban giám khảo đến dự hội nghị

NSƯT Ca Lê Hồng, giám khảo quen thuộc của cuộc thi, cho biết: “Một thực tế sau rất nhiều năm chấm thi, tôi thấy rằng hầu như diễn viên đều thích diễn lại các trích đoạn cũ. Nhiều thí sinh chọn cùng một trích đoạn thi, có thí sinh chọn một trích đoạn cho cả sơ kết đến chung kết. Tìm các trích đoạn khác cho cải lương thì cần tìm từ nhiều nguồn khác nữa, không nhất thiết phải mới, nhưng có những trích đoạn có thể khai thác mới từ những tác giả nổi tiếng mà ít dùng”.

Một giám khảo khác cũng thường xuyên ngồi ghế nóng là NSƯT Diệu Đức, nói thêm: “Từ bán kết đến chung kết, thí sinh được quyền lấy kịch bạn cũ để thi, tôi thấy lấy lại và chỉnh sửa không nhiều, so với sự diễn trích đoạn mới của thí sinh khác. Chấm thi từ vòng 1 qua vòng 2 cùng 1 tác phẩm, là một việc rất khó”.

Đạo diễn Thanh Hiệp cũng cùng nhận xét: “Đây là ưu tư của tôi từ mùa giải trước. Thí sinh đem kịch bản cũ ra diễn lại nhiều quá. Tất nhiên thí sinh đi thi thì đã chuẩn bị nguồn kịch bản của mình, nhưng nếu các thí sinh có được sự hỗ trợ kịch bản từ BTC thì vẫn tốt hơn”.

NSND Lê Thiện ví von: “Nếu xem cuộc thi như một bữa tiệc, thì những người chủ tiệc phải có thời gian chọn nguyên liệu, chuẩn bị gạo cơm mắm muối cho thí sinh làm bữa tiệc phong phú. Chứ tuồng tích không chỉ quanh quẩn có Dương Vân Nga, Lục Vân Tiên... Chúng ta phải có ban sưu tầm về kịch bản, nắm được khả năng của thí sinh để phân bổ tác phẩm cho các thí sinh thi. Cải lương vẫn có nhiều tác phẩm hiện đại rất hay đó thôi”.

Đạo diễn Ca Lê Hồng đặt vấn đề: “Nên chăng mời các soạn giả đến ngồi viết lại các vở mới, trích đoạn mới. Thay đổi điều này, kịp thì làm trong mùa thi năm nay, khán giả xem sẽ thú vị thích thú hơn, nhiều vấn đề của đời sống được phản ánh hơn”.

NSƯT Thanh Thúy, Trưởng BTC Cuộc thi, thì cho biết: “Nhà hát Trần Hữu Trang cũng đã lưu trữ được một lượng kịch bản khá nhiều, BTC không áp đặt thí sinh, mà cho họ tự do chọn lựa. BTC Cuộc thi nói rằng việc đặt hàng kịch bản mới rất khó, mặc dù đã có ý tìm”.

Nói đi thì cũng cần nói lại. Chuyện kịch bản cũ không chỉ là do thiếu, mà còn do chọn lựa từ chính thí sinh, như một thành viên BTC thừa nhận: “Thực tế thì thí sinh cũng e dè, vì tìm kịch bản nào thể hiện được hết khả năng của họ là cả vấn đề, kịch bản cũ an toàn hơn”.

Nghệ sĩ Lê Tứ cho rằng: “Khi diễn viên đã chọn, là họ đã tâm đắc với vai diễn mà họ xem là mẫu mực, lấy làm thước đo, để khi làm tốt được sẽ còn ứng dụng vai mẫu này cho những vai khác”.

Góp ý thì nhiều, nhưng các ý kiến của các nghệ sĩ từng ngồi ghế nóng đều thừa nhận là có làm ngay trong mùa giải 2022 thì cũng khó mà kịp, khi không còn nhiều thời gian nữa. Thôi thì xem như một sự nhắc nhớ để BTC và cả thí sinh cùng hẹn những mùa sau… thực hiện.

Lịch trình dự tuyển

Vòng sơ tuyển cho các thí sinh khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ) sẽ diễn ra từ ngày 9/9 đến ngày 12/9/2022. Dự thi tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP.HCM. Các thí sinh khu vực phía Bắc (từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra) sẽ thi từ ngày 14/9 đến ngày 15/9/2022 tại Nhà hát Cải lương Việt Nam, Hà Nội. Thí sinh thuộc khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ dự thi tại Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ từ ngày 17/9 đến ngày 20/9/2022.

Vòng 2, tức vòng chung kết, sẽ diễn ra tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, từ ngày 14/10 đến ngày 18/10/2022. Mỗi thí sinh vào chung kết được hỗ trợ 10 triệu đồng để chuẩn bị cho tiết mục dự thi.

Lễ công bố, trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào ngày 22/10/2022 tại Nhà hát TP.HCM.

L.M. Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm