Cùng nghe khăn đội đầu 'kể chuyện' (kỳ 3 & hết): Khăn kể về những thăng trầm lịch sử

21/07/2022 08:27 GMT+7 | Văn hoá

Chiếc khăn đội đầu ngày hôm nay không chỉ giúp ta làm đẹp, mà còn là chứng nhân của những năm tháng lịch sử hào hùng xen lẫn bi thương.

Cùng nghe khăn đội đầu 'kể chuyện' (kỳ 2): Khăn kể chuyện tình yêu lứa đôi

Cùng nghe khăn đội đầu 'kể chuyện' (kỳ 2): Khăn kể chuyện tình yêu lứa đôi

Chiếc khăn đội đầu không chỉ là nét điểm xuyết trên gương mặt của người dân mình, mà đằng sau còn ẩn chứa những câu chuyện riêng mà chắc hẳn nhiều người trong chúng ta chưa biết tới.

Cụ thể, khăn vấn - “đại diện” cho triều đại cuối cùng của lịch sử phong kiến Việt Nam - sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện về một thời đại rối ren, đầy biến động rồi lập lại hòa bình.

“Dấu ấn” thời Trịnh - Nguyễn phân tranh

Dòng sông Hương hiền hòa đưa ta về với miền đất Thần Kinh (Huế) - cũng là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình này. Hình ảnh đầu tiên khiến độc giả bất ngờ chính là những viên công chức trên mình mặc áo năm thân, đầu đội khăn xếp, đang bước tới cơ quan vào sáng thứ hai đầu tuần, trông vừa nghiêm chỉnh lại thật chững chạc. Bộ trang phục họ diện trên người cùng chiếc khăn đội đầu gợi nhắc ta nhớ lại trang sử thời các chúa Nguyễn vào mở đất phương Nam.

Chú thích ảnh
Lối vấn khăn theo hình chữ Nhất và chữ Nhân

Giở lại trang sử thời Lê Trung Hưng, hai miền Nam - Bắc phân tranh quyết liệt. Năm 1744, ở Đàng Trong có lưu truyền một câu sấm trong dân gian, nhiều khả năng cho rằng là từ ngoài Bắc truyền vào là Bát đại thời hoàn trung đô (sau tám đời phải trở lại kinh đô Thăng Long). Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục ghi chép rằng: “Chúa cho rằng lời sấm cổ có nói tám đời quay lại trung đô, tính từ thời Thái Tổ đến nay vừa đúng con số ấy”. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát nhọc tâm đến nỗi ăn không ngon ngủ không yên, cuối cùng triệu tập quần thần bàn phương cách thoát nạn. Vì không muốn quy về dưới triều Lê, ông lập nên một thể chế mới, tiến hành một cuộc cải cách có quy mô về y phục từ cung đình ra tới dân gian diễn ra trên toàn cõi Nam Hà.

Chú thích ảnh
Hoàng hậu Nam Phương đội mấn

Sách chép, chúa Nguyễn “bèn thay y phục, đổi phong tục, cùng dân đổi mới. Nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây”. Võ Vương bắt buộc dân chúng nam nữ đều phải thống nhất một loại y phục, một kiểu đầu tóc. Và qua đây, có thể thấy tục vấn khăn bắt đầu phổ biến rộng rãi từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát trong khu vực Đàng Trong.

Cuộc cải cách năm 1744 đã đánh dấu một bước đột phá về lối ăn mặc, nhấn một dấu triện vào “nền thời trang” của nước ta vào thế kỉ XVIII. Chiếc khăn đội đầu, cùng với áo ngũ thân, là đại diện cho một nền văn hiến trang phục mới trỗi dậy ở Đàng Trong, nhưng đằng sau đấy lại nhuốm mùi thương đau trong một quốc gia bị phân chia thành hai miền Nam - Bắc với cảnh huynh đệ tương tàn. Sự phân biệt giữa hai nền văn hóa của một nước Việt còn là sự cách biệt giữa lòng người, giữa tình anh em ruột thịt.

Chú thích ảnh
Thế hệ trẻ hiện tại cũng rất hào hứng với việc mặc áo ngũ thân và vấn khăn

Sau này, khi đánh thắng quân Tây Sơn, xóa đi lằn ranh chia cắt đất nước, vua Gia Long ngay từ lúc mới lên ngôi đã có ý thức về thống nhất quốc gia, thống nhất người dân trên cả phương diện trang phục. Cuối năm 1802, khi cùng các quan họp bàn về sửa đổi lối xiêm áo, lời của vua được ghi trong Đại Nam thực lục: “Dân Bắc Hà kiểu quần áo cũng không đẹp. Phải nên một phen sửa định mới có thể đồng nhất phong tục. Nhưng sửa đổi phong tục cũng phải dần dần”.

Tới thời Minh Mệnh, nhằm triệt để thống nhất trang phục hai miền Nam - Bắc Hà, từ năm 1828 đến 1842, vua ra hàng loạt sắc lệnh gắt gao. Một trong những sắc lệnh ấy ghi rõ trong Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục rằng, “nhất loạt đều dùng quần chân và áo năm thân theo lệnh của Hiếu Võ Hoàng Đế (tức Võ Vương) năm xưa ở Thuận Hóa”. Dẫu thời gian đầu, khi mới cải lại tập tục ăn mặc, người miền ngoài còn phản đối, nhưng rồi cũng dần dần thuận theo.

Chú thích ảnh
Khăn xếp trong vở cải lương “Ngao Sò Ốc Hến”

Sự thống nhất về trang phục dẫu bước đầu đã dấy lên sự bất bình, chống đối từ một bộ phận dân chúng ở Đàng Ngoài, nhất là nữ giới, chẳng thế mà xưa có câu “Tháng hai có chiếu vua ra/ Mặc quần có đáy người ta kêu trời”. Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, sự thống nhất về trang phục này cũng góp phần hàn gắn lại vết rạn nứt sau một quãng thời gian dài chìm trong nội chiến, trong sự chia li.

Tục vấn khăn bắt đầu phổ biến rộng rãi từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát trong khu vực Đàng Trong.

Độc đáo như khăn vấn

Khăn vấn cũng có nhiều kiểu vấn, chứ không cố định một kiểu. Khăn lượt của đàn ông là những vuông vải lụa, vải nhiễu dài chừng bảy tám mét, trước kia được quấn rối, về sau được quấn đều đặn thành từng nếp chồng lên nhau, thường quấn thành bảy vòng. Ở giữa trán chít theo kiểu chữ Nhân (人), tức hai nếp xếp chéo nhau, mà nếp trái đè lên nếp phải, hoặc chữ Nhất(一), là thẳng một nếp chạy ngang trán. Tới khoảng những năm 20 - 30 thế kỉ trước, người Việt mới chế ra loại một loại khăn đã xếp sẵn, khâu liền những vành nếp lại, chỉ việc đặt chụp lên đầu cho nhanh, gọi tắt là khăn xếp.

Lại có thêm loại khăn quấn quanh đầu rồi thắt nút ở giữa trán hay lệch sang bên thái dương, hai đầu khăn nhô ra trông giống hình cái rìu, nên được đặt tên là khăn đầu rìu. Hai đầu rìu nhô ra có công dụng thấm hồ hôi trong sinh hoạt thường nhật cũng như trong lao động, chính vì thế nên cách vấn khăn này được sử dụng nhiều đối với nhân dân lao động. Vì là dân lao động vấn là chủ yếu nên loại vải cũng rất bình dân, chỉ đơn giản là loại vải thô mỏng, và cũng không phân nam nữ.

Chú thích ảnh
Quấn khăn đầu rìu

Riêng với nữ giới có loại khăn trông rất dài và dày, quấn quanh đầu tựa hình phễu, người ta gọi là khăn vành dây hay mấn. Không giống như đàn ông có thể vấn khăn lượt, khăn đầu rìu vào mọi ngày, phụ nữ thường quấn khăn này trong những dịp lễ Tết, dịp trang trọng.

Cùng với sự biến thiên của thời gian, chiếc khăn xếp ngày nay cũng có sự biến đổi cho thêm phần bắt mắt. Không còn “thủ cựu” với một màu đen hay màu sẫm như ngày ấu nữa, khăn được “đổi mới” với nhiều màu sắc sặc sỡ, có thể là trùng màu với xiêm áo mặc trên người, rồi lại được điểm xuyết thêm hoa văn như hình chữ Thọ, chữ Vạn lên trên, để hài hòa với tính chất sân khấu, tính chất biểu diễn của trang phục.

Chiếc khăn bước từ lịch sử lên sân khấu phục vụ khán thính giả, rồi lại được linh thiêng hóa để bước lên “sân khấu” tâm linh, sập công đồng, nơi các ông bà đồng thăng hoa trong từng câu hát văn, từng điệu múa và tiếng vỗ tay của những người ngồi dưới.

Chú thích ảnh
Khăn vấn trong nghi lễ Hầu đồng

Trong nghi lễ hầu đồng, thanh đồng đội lên đầu chiếc khăn đã xếp sẵn, hoặc cũng có thể tự vấn chiếc khăn lượt. Thường thì chiếc khăn này sẽ màu đỏ, bởi dân gian xưa quan niệm “sạch sành sanh mới được manh áo đỏ”, để chỉ những người có cốt cách, có phẩm chất tốt mới được mặc bộ đồ đỏ mà phụng sự việc Thánh. Sau đó, với mỗi giá hầu khác nhau, người ta lại vấn thêm ra bên ngoài các kiểu khăn khác để phù hợp với từng giá hầu, sao cho tương xứng với từng vị Thánh. Riêng với giá hầu hàng Thánh Cậu, người ta tháo chiếc khăn đỏ kia xuống, vấn khăn đầu rìu, để thể hiện được trọn vẹn sự năng động, hoạt bát của các cậu bé. Có thể thấy, chiếc khăn trở thành mối liên kết giữa dân gian và tín ngưỡng, giữa đời và đạo.

Chú thích ảnh

Chiếc khăn vấn khép lại chuyến hành trình xuôi các con sông nổi tiếng từ kinh đô Văn Lang - nhà nước đầu tiên theo truyền thuyết vào đến kinh đô Đại Nam - nhà nước quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Kết thúc chuyến hành trình, hãy tin vào thế hệ trẻ, những người đang viết tiếp trang sử mới cho những chiếc khăn đội đầu đậm đà bản sắc dân tộc. Để rồi thông qua những chiếc khăn, đến lượt chính họ sẽ kể lại cho thế hệ sau những nét độc đáo về văn hóa Việt Nam.

Dòng chảy của khăn vấn

Ngày nay, việc các bạn trẻ diện áo ngũ thân và vấn khăn, hay đội khăn xếp ngày càng trở nên thịnh hành và trở thành trào lưu. Chiếc khăn được các bạn trẻ nâng niu, trịnh trọng đội trên đầu, thể hiện sự kết nối giữa thế hệ con cháu với thế hệ ông cha, kết nối thực tại với quá khứ. Khăn quấn chặt quanh đầu, ôm lấy vầng trán, như thì thầm với tâm thức của chúng ta về niềm tự hào, lòng kiêu hãnh dân tộc. Để rồi ngày hôm nay, đội lên đầu chiếc khăn đi qua ba thế kỉ, ta càng thêm trân trọng những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống mà chiếc khăn đang kể lại cho ta.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm