Cùng nghe khăn đội đầu 'kể chuyện' (kỳ 1): Tại sao lại là 'khăn mỏ quạ'?

19/07/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá

LTS: Với văn hóa Việt Nam, bên cạnh việc làm đẹp thêm cho dung mạo người đội và cho trang phục mặc lên mình, khăn đội đầu còn ẩn chứa trong nó hàm nghĩa sâu xa và nếp sinh hoạt bình dị, cũng như sự cẩn thận, cầu toàn và ý nhị của người dùng. Loạt bài viết của tác giả Nguyễn Phúc Nam Dương sẽ lần lượt giới thiệu tới độc giả những câu chuyện đặc biệt từ loại phục trang truyền thống ấy.

 Khăn đội đầu

Khăn đội đầu

Khăn đội đầu của phụ nữ có lẽ là một đề tài quan trọng trong lịch sử phục trang. Nó thể hiện vẻ đẹp, tập tục và sự thích nghi với khí hậu địa lý, gợi mở hay che đậy những khuôn mặt mang vẻ đẹp bí ẩn.

Đầu tiên, hãy cùng nhìn về khăn mỏ quạ - một nét thân thuộc của người phụ nữ miền ngoài. Gắn với nó là câu chuyện về vẻ đẹp đằm thắm, dịu hiền, nết na nơi đất Bắc.

Khăn mỏ quạ có từ bao giờ?

Để hiểu thêm về một điểm nhấn trong trang phục mà đôi khi người ta vô tình quên nhắc tới, hãy đi từ kinh đô đầu tiên theo truyền thuyết đến kinh đô cuối cùng của nhà nước phong kiến trong lịch sử Việt Nam, xuôi theo những con sông lớn - cũng là nơi diễn ra các hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa từ thuở xưa, để tìm hiểu những chiếc khăn đội đầu.

Bắt đầu là con sông chở nặng phù sa đỏ -sông Hồng - con sông đã nuôi dưỡng nền văn minh của vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn phía Bắc nước ta. Dòng Hồng Hà đưa ta xuôi theo hướng Đông Nam, dừng chân tại một phường xoan nơi đất Tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Ở đó, ta không khỏi ngạc nhiên trước kiểu vấn khăn tựa hình mỏ chim của mấy nghệ nhân đang ngân nga câu hát “Tềnh là tềnh, tang tềnh là tang tềnh”. Tiếp tục xuôi về hướng Đông, về với đất Kinh Bắc (Bắc Ninh), lại bắt gặp liền chị e lệ đứng bên liền anh thật duyên dáng trong từng câu hát quan họ ngọt lịm trên sông và qua cả chiếc khăn chị chít trên đầu.

Chú thích ảnh
Và trong hát Quan họ Bắc Ninh

Cách chít khăn ấy được có tên gọi như hình thù của nó, khăn mỏ quạ. Khăn mỏ quạ, ý nói con chim quạ, sao ai lại có thể đặt cái tên nghe rợn tóc gáy như vậy?

Tên gọi “khăn mỏ quạ” bắt nguồn từ màu đen tuyền của chiếc khăn tựa màu lông quạ và mỏm khăn gấp chéo thành góc nhọn giống mỏ con quạ.

Nhắc đến quạ, một loài vật chuyên ăn xác chết thối rữa, ta thường sẽ nghĩ đến điềm xấu, chuyện xui rủi. Trong các thiên sử thi của một số quốc gia phương Tây, hình ảnh con quạ đen xuất hiện trước mặt người mẹ, người vợ là báo hiệu cho sự hy sinh của các vị anh hùng trên chiến trận.

Còn ở bán cầu bên này thì khác hẳn. Trong quan niệm của Trung Quốc, quạ lại là biểu tượng cho lòng hiếu kính, hiếu thảo đối với đấng sinh thành. Trong Nho giáo có câu “Từ ô phản bộ”(慈乌反哺) dùng để nói về loài quạ đen này. Tách nghĩa câu thành ngữ ấy, “từ” nghĩa là phụng dưỡng; “ô” chỉ loài chim quạ, Hán Việt gọi là ô nhã; “phản bộ” được hiểu là khi chim quạ trưởng thành sẽ đi kiếm thức ăn để nuôi chim bố, chim mẹ. Về tập tính loài quạ, khi cha mẹ già yếu, bệnh tật, những con quạ con sẽ đi tìm thức ăn cho cha mẹ mình. Chúng còn làm cho thức ăn kiếm được dễ ăn hơn, bằng cách nhai và mớm cho cha mẹ. Như thế, câu thành ngữ này dùng để nói về việc con cái báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ Mệnh phụ thời Hậu Lê đội khăn phủ đầu

Không riêng gì Trung Quốc, lòng hiếu thuận với mẹ cha cũng là một trong những truyền thống cao đẹp có từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam ta. Chẳng biết tên gọi khăn mỏ quạ có liên quan tới một trong những truyền thống đáng quý ấy của người Việt hay không?

Cũng lại biết thêm rằng người Lạc Việt xưa kia có tín ngưỡng thờ Mẹ chim hay Bà tổ chim, biểu tượng là hình chim lạc bay quanh mặt trời mà ta có thể nhìn thấy mỗi khi chiêm ngưỡng trống đồng Đông Sơn. Hình tượng chim lạc chính là vật tTổ của người Việt trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, trở thành tiêu chuẩn trang trí trên mặt trống đồng. Từ hình tượng thiêng liêng, cao quý ấy, tập tục người hóa trang thành chim, đội mũ hình đầu chim, múa các điệu múa mô phỏng động tác của chim với công cụ gắn lông chim ra đời và xuất hiện trong các lễ hội tưởng nhớ về tổ tiên, thần linh. Tập tục ấy được tái hiện trên mặt của trống đồng Ngọc Lũ có niên đại 2.500 năm.

Tôi lại suy tư với câu hỏi: Phải chăng chiếc khăn mỏ quạ có nguồn gốc sâu xa từ những chiếc mũ gắn lông chim xuất hiện trong tín ngưỡng thờ thần Chim của người Việt cổ đại?

Tiến sĩ Trần Quang Đức lại nhận định không giống vậy trong cuốn Ngàn năm áo mũ. Theo đó, phụ nữ thời Nguyễn đội khăn mỏ quạ, có thể coi là biến thể hậu kỳ của lối dùng khăn phủ thời Lê. Như vậy, tục chít khăn này ra đời từ rất sớm hay mãi tới thời nhà Nguyễn mới xuất hiện, ta hiện vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng nhất. Chỉ biết rằng lối chít khăn mỏ quạ này từng là “mốt thời trang” trong một quãng thời gian dài trong lịch sử.

Đã là “mốt thời trang” thì “Người xấu như ma/ Chít khăn mỏ quạ cũng ra dáng người”. Chẳng cần là lớp son, lớp phấn che đi những nhược điểm trên gương mặt, chỉ đơn thuần một chiếc khăn màu đen tuyền bình dị, không một họa tiết được chít trên mái tóc người con gái cũng khiến họ xinh đẹp hơn hẳn. Vấn khăn mỏ quạ tôn thêm nét duyên không lẫn đi đâu được trên gương mặt người phụ nữ Việt. Dường như các câu hát xoan, câu hát quan họ dẫu có trong, có ngọt tới đâu, nếu thiếu đi chiếc khăn mỏ quạ, ít nhiều cũng làm các cô đào, các liền chị kém đi phần duyên dáng?

Chú thích ảnh
Hình tượng người đội mũ lông chim trên trống đồng Đông Sơn

Những nét duyên của người con gái...

Khăn mỏ quạ nhìn có vẻ đơn điệu là thế, nhưng vấn làm sao cho vừa, cho đẹp với khuôn mặt mình và tạo cho khuôn mặt có dáng tựa búp sen, thì đòi hỏi sự khéo léo của người con gái. Nhờ khăn mỏ quạ, vẻ đẹp của người phụ nữ đất Bắc được thể hiện qua diện mạo bên ngoài vẫn chưa đủ, mà còn thể hiện qua sự khéo léo của đôi bàn tay khi tự chít cho mình chiếc khăn này. Chiếc khăn đặc một màu đen tuyền giản dị như vậy, nhưng khi vấn lên mái tóc cũng rất cầu kỳ, thử thách ở người con gái sự cẩn thận, tỉ mỉ.

Ngày xưa, để chít được khăn mỏ quạ, trước tiên người dùng phải biết quấn mái tóc dài trong một vuông vải dài, vòng tròn lại thành hình bầu dục, đặt ngay ngắn lên đầu, hơi xệ về phía gáy, rồi ghim lại. Sau đó, từ một chiếc khăn vuông màu đen, họ gấp chéo thành hình tam giác sao cho cân đối, bẻ hình mỏ quạ chính giữa đường ngôi trên đầu, bắt 2 góc khăn về 2 phía tai và thắt múi ở gáy.

Chú thích ảnh
Những chiếc khăn mỏ quạ trong hát Xoan Phú Thọ

Bây giờ, chít khăn mỏ quạ đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần búi một búi tóc ở đằng sau gáy, đội lên đầu một vòng khăn quấn sẵn tựa hình bầu dục, sau đó chít chiếc khăn vuông đen thành hình mỏ như người xưa là xong. Người con gái chẳng cần quá khéo tay cũng có thể tự chít cho mình một chiếc khăn mỏ quạ thật xinh.

Chẳng phải mỗi mình tôi mới mê mẩn trước vẻ yêu kiều hoài cổ ấy. Nhà thơ Nguyễn Bính năm xưa cũng yêu làm sao vẻ đẹp này, cũng tiếc nuối khi người con gái mình thương “canh tân” lối ăn mặc sau cái ngày cô ấy “đi tỉnh về”. Chẳng thế mà ông reo nên những vần thơ: “Nào đâu cái yếm lụa sồi? Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? Nào đâu cái áo tứ thân? Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?”.

Trong cuộc sống hiện đại bây giờ, tìm cho được cô gái vẫn đội trên đầu chiếc khăn mỏ quạ quả tình khó lắm. Bởi dung nhan của người phụ nữ thời hiện đại bây giờ được điểm trang qua những lớp son phấnphù hợp với xu hướng thời thượng, chứ chẳng còn là chít một chiếc khăn cho vừa vặn với gương mặt nữa. Nhưng dẫu không còn xuất hiện rộng rãi trong cuộc sống hiện đại như xưa, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những người phụ nữ đầu đội khăn mỏ qua khi hát các làn điệu dân ca trong những ngày hội.

Bởi chẳng có nhiều dịp được tận mắt ngắm nhìn người con gái đất Bắc đội trên đầu chiếc khăn mỏ quạ, nên đã lỡ một lần đắm say trước vẻ đẹp ấy rồi, thì cũng chẳng đành lòng rời xa. “Giá em đừng hát hay, giá em đừng nền nã/ Đừng áo tứ thân đừng khăn mỏ quạ” (Khách đến chơi nhà), câu hát quan họ của liền anh cất lên như nói thay cho tâm tư của người khách trước lúc cất bước.

Không lẽ lại ước rằng, giá như người con gái Bắc chẳng mặc áo tứ thân, chẳng chít khăn mỏ quạ như câu hát kia, thì có lẽ cũng không tài nào làm tôi quyến luyến trước một vẻ đẹp mộc mạc, chân chất.

Ý nhị khăn đội đầu

Chiếc khăn đội đầu không chỉ tôn lên khuôn mặt của người đội, mà còn điểm xuyết thêm cho bộ trang phục được mặc lên người. Và, để chiếc khăn có thể phát huy công dụng làm đẹp như vậy, ắt hẳn người ta phải đội làm sao cho thật khéo. Từ đó, sự chỉn chu của người Việt Nam chúng ta được kể một cách đầy tài tình thông qua việc đội khăn.

Chưa hết, chiếc khăn còn kể về những tập quán, giá trị lịch sử, quan niệm về cái đẹp mà có lẽ chúng ta chưa được nghe các bà, các mẹ kể đầy đủ.

(Còn tiếp)

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm