Chào tuần mới: Thắng - thua, thành - bại

11/07/2022 07:22 GMT+7

Cuối cùng thì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng đã diễn ra suôn sẻ. Kết quả sẽ được công bố chậm nhất là vào ngày 28/7 tới. Riêng đối với kỳ thi vào lớp 10, cho đến cuối tuần qua, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước cũng đã công bố điểm thi, điểm chuẩn và bắt đầu việc nhập học.

Chào tuần mới: Trung thực là thành công

Chào tuần mới: Trung thực là thành công

Tuần mới này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2021-2022 sẽ diễn ra trên toàn quốc từ 7 - 8/7. Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, có tới 1.001.011 sĩ tử tham gia. Cũng có nghĩa là, phía sau đó còn hàng triệu ông bố, bà mẹ cùng thân nhân, họ hàng, thầy cô… hồi hộp, trông ngóng.

Ở Việt Nam nhiều năm trở lại đây, áp lực thi cử, về điểm số là nỗi ám ảnh kinh hoàng với các thế hệ học trò. Thi cử thì đương nhiên có trượt, có đỗ, có thành công, có thất bại. Thế nên sau mỗi kỳ thi lại có không biết bao nhiêu câu chuyện mà phần nhiều là buồn hơn vui…

Nhiều gia đình coi việc đỗ lớp 10 công lập hay đại học công lập như là yếu tố quyết định sự thành - bại trong cuộc đời của con em mình. Thế nên khi biết kết quả thi không được như ý thì khủng hoảng thực sự, khiến cho áp lực lên các em tăng lên gấp đôi.

Thực tế cuộc sống đã chỉ ra rằng, một kỳ thi chưa thể nói lên được hết tất cả về một con người. Đúng như giáo sư Barnaby Keeney, một vị hiệu trưởng đáng kính của trường đại học danh tiếng Brown (Hoa Kỳ, giai đoạn 1955-1966) đã từng nhận định: “Bạn chỉ có thể khẳng định ai là người làm bài giỏi nhất qua những kỳ thi ở trường chứ không thể khẳng định được ai là người có năng lực tốt nhất”.

Chú thích ảnh
Thí sinh trao đổi bài làm môn Ngoại ngữ tại điểm thi Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Tôi nhớ lại thời điểm này năm ngoái, con trai tôi thi vào lớp 10. Trước khi kỳ thi diễn ra, các cháu học online là chính. Cô giáo chủ nhiệm ngày nào cũng thông báo trên nhóm, nhắc em này, phê bình em kia học hành tụt dốc, đề nghị các bậc phụ huynh phải đôn đốc con cái, báo cáo lại cho cô biết nguyên nhân. Biết rằng cô lo cho tương lai của con nên làm gắt, nhưng tôi cũng không muốn gây thêm áp lực cho con. Những lúc hai bố con trò chuyện, tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc con cố gắng, nhưng cũng đừng thức khuya quá, hãy coi kỳ thi này như là một trận đánh trong cuộc đời thôi, thắng hay thua chưa nói lên điều gì cả. Phía trước vẫn còn nhiều kỳ thi khác, nhiều thử thách khác. Con hãy tự tin lựa chọn trường theo khả năng mình, trường nào cũng được miễn là đúng với thực lực.

Kết quả năm ấy, con tôi chỉ thi đỗ nguyện vọng 2, cũng đúng với năng lực của cháu, đấy là điều tôi hài lòng.

Có thể con trai tôi may mắn trong kỳ thi năm trước. Nhưng giả sử như cháu không đạt kết quả như ý, thì tôi cũng sẽ cho cháu chuyển sang học nghề. Điều này chính tôi trước đây thi trượt đại học cũng đã từng làm, có sao đâu. Sau đó, tôi đi bộ đội, lúc xuất ngũ về nhà được mấy năm, thấy cần kiến thức thật sự, tôi mới đi thi lại đại học.

Cách đây hơn chục năm, khi đến Việt Nam nghiên cứu và giảng dạy, hai giáo sư tâm lý trị liệu Neal Newfield và Susan Newfield (Đại học West Virginia, Hoa Kỳ) đã nhiều lần trăn trở khi nhận thấy áp lực học hành và điểm số cao ở giới trẻ Việt là “quá khủng khiếp”. Trong một bài trả lời phỏng vấn, họ bày tỏ: “Chúng tôi cho rằng việc thi rớt ở trẻ là điều không mấy dễ chịu nhưng việc này khó có thể khẳng định được giá trị của một con người, bởi không thể đánh đồng người thi rớt là kẻ thất bại”.

Với câu hỏi “Ông bà có điều gì muốn nhắn gửi đến các bậc phụ huynh ở Việt Nam?”, họ đã trả lời rằng: “Việc người trẻ thất bại trong các kỳ thi không đồng nghĩa với việc tương lai của họ sẽ đi vào lối cụt, vẫn còn đó rất nhiều người thợ, kỹ sư, doanh nhân... có sự nghiệp được xã hội tôn trọng và cuộc sống riêng rất hạnh phúc dù họ chưa bao giờ cầm bằng tốt nghiệp đại học trên tay. Nên nhớ việc tôn trọng họ không đồng nghĩa rằng bạn thỏa hiệp, đồng ý với họ trong mọi trường hợp. Tôn trọng tức là bạn lắng nghe thật kỹ, hiểu thấu điều họ nói và gợi ra những lập luận khác nhau một cách nhẹ nhàng để họ được giải thích”.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, những nhắn gửi của hai ông bà giáo sư đến thời điểm này vẫn còn nguyên tính thời sự. Thắng - thua trong một kỳ thi không đồng nghĩa với thành - bại trong cả cuộc đời. Các em có nhiều lối đi tới thành công sau những kỳ thi không được như mong muốn.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm