Câu chuyện từ vỉa hè Sài Gòn

21/07/2022 07:39 GMT+7 | Văn hoá

Từ hàng trăm cuộc phỏng vấn, từ trải nghiệm sinh sống và làm việc ở TP.HCM, Annette M. Kim đã khám phá câu chuyện gần gũi với đời sống thị dân Sài Gòn hôm nay, xuất phát từ một vị trí thân quen nhưng ít được quan tâm: Vỉa hè Sài Gòn.

Sau “kỷ lục” phát hành, Anh Khang ra sách về Sài Gòn

Sau “kỷ lục” phát hành, Anh Khang ra sách về Sài Gòn

Anh Khang đã chính thức trở thành nhà văn 8X có lượng sách phát hành kỷ lục nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

1. Đời sống vỉa hè Sài Gòn (Mai Nguyễn dịch, NXB Dân Trí 2022) của Annette M. Kim tái khám phá một đời sống đô thị Sài Gòn hiện đại, giao hoà giữa những giá trị truyền thống và sự đổi thay của tình thế, thời cuộc, dưới mắt nhìn của một người ngoại quốc nhiều năm sinh sống ở Việt Nam.

“Trong cái không gian chật hẹp ấy, những người cùng hẻm trao cho tôi những ánh nhìn và chúng tôi sẽ chào nhau bằng những nụ cười cùng những câu xã giao vào buổi sáng. Hầu hết hết những người tôi đi qua đều là khách uống cà phê của chị Bông, chị mới mở một quán cà phê cóc ngay trong hẻm. […] Đôi khi vài người trong hẻm phàn nàn rằng chị chiếm quá nhiều chỗ và thế là chị Bông lại dịch mấy cái đồ nhựa của chị sát lại gần tường hơn một chút. Dẫu vậy tổ dân phố và công an phường vẫn cho phép chị bán hàng vì chị là dân hẻm lâu năm và là một bà mẹ đơn thân phải vật lộn để kiếm sống. Ngày nào tôi cũng đi bộ qua lối này”.

Chỉ một đoạn ngắn, tác giả đã phác hoạ bức tranh đời sống người dân TP.HCM trong một hẻm nhỏ nhà san sát, với những quán cà phê cóc đầu hẻm đặt trưng và đằng sau đó còn là mảnh đời, những số phận khác nhau, có cả tình thương, sự trượng nghĩa vốn hay được gắn với 2 chữ Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Tác giả Annette M. Kim

Nhưng, với đôi mắt của một nhà nghiên cứu, giáo sư Kim còn quan sát vỉa hè TP.HCM như một đối tượng có bề dày lịch sử, vai trò của vỉa hè trong không gian đô thị, những biểu tượng văn hoá mới. Chẳng hạn những vỏ xe, tiếng rao mì gõ… đối với Kim là “một kiểu từ vựng thị giác của các biểu tượng trên vỉa hè đang giao tiếp với công chúng”.

Kể từ năm 2010, tác giả đã cùng nhóm nghiên cứu của mình thực hiện 275 cuộc phỏng vấn với người dân, những người bán hàng rong và cả công an khu vực. Những cuộc phỏng vấn này đã cho thấy nhiều góc độ khác nhau của đời sống vỉa hè, từ những người mưu sinh nhờ vỉa hè, đến phía quản lý.

2. Vấn đề vỉa hè không phải là vấn đề mới. Những năm qua, cũng không ít tranh cãi liên quan đến mỹ quan đô thị, trong đó tương lai của những gánh hàng rong trên vỉa hè TP.HCM được nêu ra.

Trong Đời sống vỉa hè Sài Gòn, tác giả cũng chú ý đến vấn đề này khi chỉ ra những ý kiến trái chiều xung quanh cách người dân nhìn nhận các hoạt động mua bán diễn ra trên vỉa hè. Bên cạnh các ý kiến như bán hàng rong ảnh hưởng đến giao thông, lạc hậu và không đảm bảo vệ sinh, thì cũng có ý kiến cho rằng, đời sống vỉa hè như một phần của văn hoá hiện đại.

Chú thích ảnh
Sách "Đời sống vỉa hè Sài Gòn"

Đây là vấn đề gây tranh cãi, bởi vỉa hè TP.HCM không chỉ mới có hôm qua. Annette M. Kim ngược dòng về thời các chúa Nguyễn ở miền Nam, đến khi Sài Gòn được khai sinh, rồi những năm chiến tranh và thời hậu chiến. Cuộc truy tầm về quá khứ này cho độc giả thấy đời sống vỉa hè đã một bề dày lịch sử lâu đời và bén rễ trong xã hội sâu hơn nhiều so với hình dung của nhiều người.

Vậy còn vỉa hè TP.HCM trong mắt người nước ngoài thì sao? Nhóm của Kim đã thực hiện một bảng tổng kết dựa trên 448 quan sát của du khách nước ngoài. Đa phần, trải nghiệm được tiếp xúc trực tiếp với người bản xứ, cũng như thưởng thức ẩm thực bản địa trên đường phố, là yếu tố thu hút du khách. Từ đó, tác giả rút ra kết luận: “vì cuộc sống vỉa hè là một trong những khía cạnh đang chú ý và thú vị nhất của TP.HCM, ta có thể lập luận một cách chính đang rằng, cuộc sống vỉa hè nên được giữ lại, nhưng cũng nên được quản lý tốt”.

Chỉ 200 trang sách, Đời sống vỉa hè Sài Gòn cho độc giả cái nhìn tổng quan về vỉa hè trên các khía cạnh lịch sử, xã hội học, cũng như đô thị học. Những gì tác giả Annette M. Kimviết trong sách, có lẽ chưa thoả mãn hoàn toàn các độc giả. Nhưng có thể xem tác phẩm Đời sống vỉa hè Sài Gòn như một gợi mở cho những ai quan tâm đến vỉa hè, cũng như đời sống đô thị ở thành phố hiện đại phương Nam này. Từ câu chuyện vỉa hè Sài Gòn, có thể mở rộng ra những tìm hiểu, nghiên cứu, về đời sống vỉa hè các thành phố ở Việt Nam.

Vài nét về tác giả Annette M. Kim

Annette M. Kim là giáo sư ngành chính sách công, giám đốc phòng phân tích không gian đô thị (SLAB) của University of Southern California. Bà từng dành nhiều năm sinh sống, nghiên cứu ở TP.HCM và từng cùng các cộng sự tổ chức triển lãm Văn hóa sinh hoạt ngoài trời tại TP.HCM vào năm 2014.

Đời sống vỉa hè Sài Gòn của Annette M. Kim do NXB Dân trí phối hợp với Nhã Nam và Công ty tư vấn quốc tế enCity xuất bản.

Huỳnh Trọng Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm