Chào tuần mới: An toàn trường học khi Hè về

08/06/2020 07:10 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thời tiết nắng nóng đã xuất hiện và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Khác với mọi năm, thời điểm này, học sinh vẫn phải đến trường, cho nên không ít phụ huynh lo lắng.

Chào tuần mới: Học kỳ trong mùa Hạ

Chào tuần mới: Học kỳ trong mùa Hạ

Nếu theo đúng lịch hàng năm thì tuần này, học sinh trên cả nước chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm học, bước vào kỳ nghỉ Hè, được ở nhà vui chơi, đi du lịch cùng gia đình hoặc là tham gia các trại Hè, còn học sinh lớp 12 thì chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia...

Câu hỏi đặt ra là, gia đình và nhà trường cần phải làm gì để đảm bảo an toàn cho các em?...

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, một bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tư vấn rằng: Những bệnh trẻ em thường mắc phải vào mùa nắng nóng là tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, nhiễm siêu vi, viêm não Nhật Bản, viêm màng não ở trẻ em, bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết…

Trong thời tiết nắng nóng, thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là các trường tổ chức ăn bán trú. Phụ huynh chú ý mặc đồ thoáng mát cho trẻ, cho trẻ đội mũ khi đi ra nắng. Khuyến khích bé uống nhiều sữa tươi, nước trái cây hoặc nhiều nước khoáng, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất…

Tôi cho rằng, đây là những tư vấn hết sức bổ ích và thiết thực cho các bậc phụ huynh. Và cho đến giờ này, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, cho nên vẫn phải hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, nhắc các bé thường xuyên rửa tay...

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) thực hiện việc giãn cách và rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh vấn đề sức khỏe, vẫn còn nhiều nỗi lo khác về trường học an toàn, sau các vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây.

Tìm lại các văn bản pháp luật, tôi đọc được Quyết định số: 4458/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 22/8/2007 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông. Trong phần phụ lục 2 là bảng Đánh giá trường học an toàn (nhà trường tự đánh giá) có đủ các nội dung về phòng chống ngã, phòng chống đuối nước, phòng chống điện giật, phòng chống bạo lực trong trường học. Chẳng hạn trong phòng chống ngã, có hạng mục: “Các cây cao, cổ thụ ở sân trường được chặt tỉa cành trước mùa mưa bão và có rào chắn hoặc nội quy để học sinh không leo trèo”.

Không biết văn bản trên đã phải là mới nhất hay chưa, nhưng cũng có thể thấy rằng, từ nhiều năm trước, các tiêu chuẩn về trường học an toàn đều đã được tính toán kỹ càng. Vấn đề còn lại là các trường tổ chức thực hiện ra sao cho hiệu quả, đảm bảo được an toàn thực sự cho các em trong các tình huống cụ thể, chứ không phải chỉ là trên giấy tờ.

Các em không trèo cây để bị ngã, mà là cây bất ngờ đổ vào các em. 2 vụ cây phượng đổ liên tiếp xảy ra như thế. Cũng liên quan đến cây, liệu phụ huynh học sinh có yên tâm được không khi mà mới đây tại trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương), một em học sinh lớp 9 cùng các bạn được phân công đi cắt, tỉa cây phi lao sau sân trường. Trong lúc đang chặt, cành cây phi lao bị đổ chạm vào dây điện cao thế gần đó khiến em này bị điện giật ngã xuống đất. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng nam sinh này đã tử vong.

Chú thích ảnh
Trường THCS Quyết Thắng, TP Hải Dương - nơi nam sinh gặp nạn khi cắt tỉa cây xanh. Ảnh: T. Thắng/Báo Tuổi trẻ

Tôi vẫn nhớ mỗi độ Hè về, nhiều địa phương và trường học lại rầm rộ triển khai cho các em học bơi lội, phòng chống đuối nước. Chúng ta đã dạy các em thế nào mà vừa rồi liên tục xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân chính là các em?

Khi nói đến an toàn trường học, chúng ta thường hay chú ý đến chuyện ăn, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí và các sinh hoạt khác trong trường học. Nhưng theo tôi có lẽ cần phải xem lại các chương trình dạy kỹ năng cho các em, liệu những kỹ năng đang được giảng dạy có giúp các em thích nghi, ứng phó với những thay đổi của thiên nhiên, thảm họa môi trường hay chưa? Biết cách nhận ra những dấu hiệu của sự nguy hiểm kiểu như là bài học không trú dưới gốc cây to khi trời mưa, nhận biết nước xoáy khi lũ lụt tràn về…

Chúng ta đã nhắc nhiều đến việc năm học này là đặc biệt đối với các em học sinh vì đã bước sang Hè mà vẫn phải đến trường. Cho nên cần phải đảm bảo cho các em được an toàn, yên tâm, hào hứng đến trường trong những ngày nóng nực, oi bức. Không làm được điều ấy, chúng ta sẽ mắc nợ các em một mùa Hè.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm